Nếu bạn còn đang băn khoăn chưa biết đi chơi đâu vào dịp lễ 2/9, hãy làm một chuyến du lịch đến Mộc Châu, Sơn La để vui đón Tết Độc Lập cùng bà con dân tộc vùng cao. Từng dòng người náo nhiệt từ khắp các bản làng xa xôi đổ về đây trong sắc đỏ cờ hoa hòa cùng sắc màu sặc sỡ của những bộ xiêm y lộng lẫy đã dệt nên một bức tranh núi rừng Tây Bắc độc đáo.
Theo lời kể của những người cao tuổi ở Mộc Châu, kể từ ngày bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), nên đồng bào người Mông rất coi trọng và chọn đó làm ngày Tết Độc Lập (hay còn gọi là Tết cờ đỏ sao vàng) chào mừng lễ Quốc khánh 2/9 nhằm tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (31/8 - 2/9) đó là thời điểm người Mông tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật náo nhiệt thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Mỗi năm vào dịp này, đồng bào các dân tộc vùng cao đến đây để gặp gỡ, kết giao tình tự và vui chơi thỏa thích sau những ngày làm lụng vất vả,…
Nếu như Tết truyền thống của người Mông chỉ gói gọn trong phạm vi của gia đình, họ hàng, hoặc giữa các bản làng với nhau thì Tết Độc Lập lại diễn ra rộng rãi hơn bởi có sự liên kết giữa đồng bào các dân tộc thiểu số ở nhiều vùng miền khác nhau. Khởi đầu, Tết Độc Lập chủ yếu là của người Mông ở Mộc Châu và một vài huyện lân cận, nhưng mấy năm trở lại đây do điều kiện sống của đồng bào ngày càng phát triển, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cũng vì thế được nâng cao, nên họ muốn được nới rộng giao lưu văn hóa với nhiều dân tộc khác. Chính vì vậy, Tết Độc Lập không chỉ thu hút đồng bào Mông ở các huyện Sông Mã, Thuận Châu, Yên Châu, Phù Yên... của tỉnh Sơn La, và người Mông ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang,Thanh Hóa, Nghệ An...mà còn thu hút nhiều dân tộc khác như: Thái, Mường, Kinh, Dao, Tày... ở các tỉnh lân cận và cả ở nước bạn Lào cũng về đây vui Tết. Vì thế, mỗi năm Tết Độc Lập không chỉ “giàu” về lượng khách tham gia, mà còn “giàu” cả về nội dung, hình thức và sản vật. Nét văn hóa đẹp này đến nay vẫn được đồng bào Mông ở Mộc Châu nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung gìn giữ và phát huy.
Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu tháng 9 hàng năm, khi nắng hanh hao trải dài trên các sườn đồi Mộc Châu, khắp nơi nô nức trẩy hội, tiếng cười nói, vui đùa của già trẻ, gái trai vang cả bản làng hòa trong không khí rộn ràng của Tết Độc Lập, trong nếp váy thổ cẩm phủ xòe trên lưng ngựa đủng đỉnh gõ móng lộc cộc và trong cả làn khói thơm lan tỏa khắp vùng Tây Bắc. Những ngày này lên cao nguyên Mộc Châu, bạn sẽ thấy thú vị khi được trải nghiệm và cảm nhận nét đẹp văn hóa đa sắc màu của đồng bào vùng cao.
Khắp Mộc Châu, không khí Tết Độc lập đã bao trùm lên các con đường dẫn về bản làng, cờ hoa giăng đầy phấp phới trong gió. Từng đoàn người Mông, Thái, Dao, Khơ Mú... xúng xính trong những bộ trang phục đẹp nhất, tay nắm tay chen nhau len chật cả con đường. Các chàng trai đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn, còn các nàng áo váy rực rỡ, miệng cười chúm chím,tay cầm đàn môi, leng keng nhạc ngựa tưng bừng xuống phố vui chơi, ăn uống, mua sắm làm huyên náo các con đường. Và có không ít du khách từ Hà Nội và cả các tỉnh, thành lân cận cũng khoác lên mình những bộ váy áo dân tộc Mông, Dao, Thái... chụp hình lưu niệm với người dân bản địa, khiến không khí của ngày Tết thêm tưng bừng... Phải nhễ nhại mồ hôi, cười nói, chen lấn và thêm một chút men say, bạn mới có thể nồng nhiệt xoay tròn theo nếp váy của các cô gái Mông e ấp, nhưng lại tràn trề nhựa sống.
Đặc biệt, đêm ngày 1/9 cũng là “đêm trắng” với những ai có mặt ở thị trấn Mộc Châu, một đêm hội giao lưu của tình yêu, của các chàng trai, cô gái trong phiên chợ tình gửi gắm những hò hẹn, nhớ thương. Họ vất vả làm lụng cả năm, may sắm những bộ quần áo đẹp cũng chỉ để tìm đến bạn tình tâm sự, để trút nỗi niềm thương nhớ nhau. Vì thế, đêm Tết còn trở thành đêm của những tình bạn, tình yêu chớm nở. Ngoài ra, bạn còn được hòa mình vào không gian văn hóa ẩm thực, thưởng thức các chương trình văn nghệ đặc sắc như biểu diễn dân ca, dân vũ, tấu nhạc cụ dân tộc... hay tham gia các hoạt động vui chơi giải trí như thi giã bánh dày, thi nấu cơm, bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn, đánh tu lu, ném pao, đi cà kheo... Không khí lễ hội càng trở nên sôi động bởi tiếng reo hò, cổ vũ cuồng nhiệt của của người dân địa phương lẫn khách du lịch.
Rời khỏi vùng cao nguyên xanh thẳm, rộn ràng trong âm thanh và sắc màu đắm say của ngày hội, chắc hẳn bạn cũng sẽ bồi hồi và không thể nào quên tiếng sáo gọi bạn, tiếng khèn xao xuyến, nếp váy thổ cẩm xoắn xuýt bước chân cô gái Mông xinh đẹp, tiếng cười ròn rã của các chàng trai bên bạn tình... Tất cả đều để lại ấn tượng khó quên với những ai đã từng một lần đặt chân lên vùng đất cao nguyên Mộc Châu vừa hoang sơ, vừa lộng lẫy này.
MỘT SỐ LƯU Ý NHỎ KHI LÊN MỘC CHÂU ĐÓN TẾT ĐỘC LẬP THÁNG 9 NÀY:
- Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La, cách khoảng Hà Nội 180km, trên đường Quốc lộ số 6 đi Sơn La, Điện Biên. Chạy xe máy mất khoảng từ 4-5 tiếng là tới nơi tùy theo tốc độ của bạn nhưng bạn nên chạy tốc độ vừa phải vì quãng đường có dốc đèo rất nguy hiểm.
- Bạn có thể đi phượt Mộc Châu bằng xe máy hoặc ô tô. Thường mọi người thích đi xe máy vì đường cũng không xa. Đi xe máy bạn sẽ thoải mái ngắm nhìn và chụp được những cảnh đẹp ở hai bên đường.
Nguồn: www.vietravel.com/vn
Phòng ngủ riêng khu Biệt Thự ( Double/ Twin)
Giá từ: 2.500.000 VNĐ
Khu trung tâm-Deluxe Double/Twin
Giá từ: 2.500.000 VNĐ
Khu trung tâm-Phòng Superior Twin
Giá từ: 1.600.000 VNĐ
Khu đồi cọ-Executive queen suite
Giá từ: 2.000.000 VNĐ
Du Lịch Mộc Châu Check In Tại Vườn Hồng Thơ Mộng.
02/11/2023 16:47
NGÀY HỘI DU LỊCH VĂN HÓA TỈNH SƠN LA
01/05/2023 14:12
Tháng 9 này, lên Mộc Châu đón Tết Độc Lập
01/08/2020 07:50
Gọi cho chúng tôi trước để kiểm tra xem phòng bạn quan tâm là có sẵn hay không.
0869-555-667